Mách bạn bí quyết chọn mua iPhone cũ
Danh mục sản phẩm

Mách bạn bí quyết chọn mua iPhone cũ

Dương Nguyễn Ngày đăng: 09/30/2016Lượt xem: 1292

Sau khi bộ đôi iPhone 7, 7 Plus ra mắt, giá bán các đời iPhone cũ đã giảm sâu. Để có thể chọn mua được một chiếc máy tốt bạn cần nắm một số cách sau để tránh mua nhầm hàng chất lượng kém.

Kiểm tra máy ẩn iCloud

Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất khi mua iPhone cũ. Máy ẩn iCloud là máy đã người dùng trước đó khoá tài khoản (do bị đánh cắp hoặc thất lạc) nhằm tránh mất dữ liệu cá nhân.


Người dùng cần copy IMEI hoặc số serial máy vào trang web icloud.com/activationlock để kiểm tra iCloud ẩn của máy.

Bằng thủ thuật, giới kinh doanh iPhone cũ có thể khiến máy khoá tài khoản bị "ẩn" iCloud để có thể sử dụng bình thường và qua mặt khách hàng thiếu hiểu biết. Tuy nhiên, loại máy này không thể cập nhật phần mềm hay sao lưu, khôi phục dữ liệu... vì dính tài khoản cũ từng bị khoá. 

Để kiểm tra, người dùng vào phần Cài đặt (settings) > Chung (general) > Giới thiệu (about), copy dòng IMEI của máy và điền vào website icloud.com/activationlock.

Nếu trang báo ON, trong khi người dùng chưa hề đăng nhập tài khoản iCloud của mình, thì máy đã bị dính iCloud ẩn và không nên mua dùng. Nếu trang báo OFF, tức máy chưa bị khoá iCloud và người dùng có thể yên tâm kiểm tra các chức năng còn lại. 

Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn cách test iPhone (cũ, 99%, 2nd)

Màn hình và cảm ứng 

Hãy thử với thao tác tăng giảm độ sáng liên tục để xem khả năng hiển thị của máy có bình thường hay không. Tiếp đến, người dùng có thể nhấp giữ một ứng dụng bất kỳ trên màn hình cho đến khi xuất hiện dấu "x" trên mỗi biểu tượng, tiếp tục giữ biểu tượng đó và di chuyển khắp màn hình để dò tìm điểm chết cảm ứng.

Nếu rà ngón tay khắp màn hình mà biểu tượng ứng dụng vẫn "bám" theo ngón tay, tức màn hình của máy không có điểm chết cảm ứng nào. 

Ngoài ra, người dùng cần kiểm tra xem máy đã bị thay màn hình hay chưa bằng cách dùng băng dính dán lên màn hình và gỡ ra. Màn hình "zin" của iPhone sẽ khó bám keo và khó dính hơn.

Cách khác để kiểm tra là tháo khay SIM và bật sáng màn hình. Nếu nhìn vào khoảng trống bên trong khe SIM có ánh sáng, màn hình bị hở sáng và có thể đã bị tháo để thay thế. Nếu khe SIM tối đen, màn hình của máy vẫn còn "zin". 

iPhone 6 cũ chưa hề tháo dỡ

Loa, mic, camera và các phím cứng

Cách đơn giản để thử là bật một bài nhạc, liên tục tăng giảm âm lượng bằng phím cứng bên hông máy. Thử gọi cho ai đó và kiểm tra âm thanh cuộc gọi cả hai chiều.

Tiếp đến, hãy chụp một vài bức ảnh bằng camera trước lẫn sau, sau đó quay video khoảng 1 phút để kiểm tra độ ổn định của cụm camera. Kiểm tra khả năng lấy nét của cameta bằng cách chạm vào một điểm bất kỳ trên màn hình. Khi đó, máy có camera tốt sẽ lấy nét nhanh, rõ điểm đã chọn và thay đổi mức sáng tương ứng. 

Pin

Đây là phần quan trọng và khó kiểm tra nhất trên iPhone cũ. Người dùng có thể vào Cài đặt (settings) > Pin (battery) và nhìn vào thống kê về pin. Nếu thời gian chờ từ 7-8 tiếng, pin của máy nằm ở mức bình thường.

Tuy nhiên, người bán vẫn có thể thay pin mới cho máy và những loại pin này cũng dễ đánh lừa iOS để hiển thị thơi lượng pin chờ cao. Hãy cảnh giác với những máy sụt pin nhanh khi chỉ mới trải nghiệm vài thao tác đơn giản.

Với những người dùng thành thạo việc cài đặt phần mềm, hãy thử công cụ iBackupBot hoặc chính tính năng Diagnostics & Usage để kiểm tra thời lượng chính xác còn lại của pin. Tuy nhiên, cách làm này đòi hỏi nhiều thời gian chờ đợi. 

Uy tín của người bán

Nếu mua iPhone cũ, người dùng hãy chọn những cửa hàng uy tín, dám đưa ra thời hạn bảo hành (tại cửa hàng) từ 3 - 6 tháng. Những chiếc iPhone hàng "dựng" thường bộc lộ khuyết điểm chỉ trong vài tuần sử dụng. Do đó, người dùng hãy cân nhắc thời gian bảo hành, khả năng đổi trả và hỗ trợ sau bán hàng trước khi quyết định mua iPhone cũ.  

Theo Zing

Zalo Button