Samsung chính thức công bố nguyên nhân khiến Note 7 phát nổ
Sau tất cả Samsung cũng chính thức công bố nguyên nhân chính khiến Galaxy Note 7 phát nổ và buộc hãng phải khai tử phablet này.
Pin là nguyên nhân khiến sản phẩm phát nổ. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Trong cuộc họp báo hôm chủ nhật (22/1), Samsung cho biết 2 lỗi pin khác nhau khiến cho Note 7 phát nổ trong cả 2 đợt thu hồi sản phẩm.
Trong đợt thu hồi đầu tiên, Galaxy Note 7 bị quá nhiệt do lỗi thiết kế. Phần vỏ ngoài của pin quá nhỏ để chứa các linh kiện bên trong dẫn đến hiện tượng đoản mạch và phát nổ.
Những chiếc Note 7 thuộc diện thay thế sau đó, vốn đến từ một nhà cung cấp khác, không gặp lỗi tương tự, Jusstin Denison - Giám đốc chiến lược sản phẩm và marketing của Samsung Mỹ - chia sẻ trong cuộc phỏng vấn trước khi diễn ra họp báo. Trong khi vội vã sản xuất cho đủ số lượng sản phẩm thay thế, nhà cung cấp đã gặp một số lỗi dẫn đến việc Note 7 tiếp tục phát nổ.
Samsung xây 4 phòng thí nghiệm để tiến hành xác định nguyên nhân khiến Galaxy Note 7 phát nổ.
"Đó cuộc khủng hoảng đau đớn đối với tôi", D.J. Koh - Giám đốc Samsung mobile chia sẻ. Ông cho biết đây là trải nghiệm tồi tệ nhất trong 33 năm gắn bó với công ty.
Galaxy Note - dù không phải thiết bị bán chạy nhất - luôn là trong tâm của Samsung. Nó là một trong hai smartphone đầu bảng ra mắt mỗi năm của hãng. Galaxy Note 7 được xem là đối thủ xứng tầm của Apple iPhone 7 Plus. Vụ thu hồi Note 7, với khoảng 3 triệu máy, tiêu tốn của Samsung khoảng 5 tỷ USD. Đó là chưa kể những tổn thất về mặt danh tiếng, thứ có thể mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để lấy lại.
Chính xác điều gì đã xảy ra?
Gần như ngay sau khi Note 7 lên kệ vào giữa tháng 8, người dùng bắt đầu than phiền về hiện tượng quá nhiệt. Samsung ban đầu khẳng định máy gặp lỗi pin và thay thế những chiếc Note 7 đó. Tuy nhiên, mọi chuyện chưa được khắc phục khi các model thay thế tiếp tục gặp lỗi tương tự.
Samsung thực hiện đợt thu hồi thứ 2 vào tháng 10, điều gần như chưa từng xảy ra trong lịch sử làng di động, và dừng sản xuất Note 7. Từ đó, họ tập trung vào việc tìm nguyên nhân sự cố.
Samsung tốn rất nhiều nhân lực và vật lực để điều tra nguyên nhân. Họ xây hẳn 4 phòng thử nghiệm tại 4 nhà máy sản xuất gồm Gumi (Hàn Quốc), Hà Nội (Việt Nam), Huizhou và Tianjin (Trung Quốc) để đồng thời điều tra nguyên nhân.
Cùng với nhau, những phòng này tiến hành thử nghiệm hơn 200.000 chiếc Note 7 (có pin) và hơn 30.000 viên pin. Samsung điều chuyển hơn 700 kỹ sư từ mảng di động sang làm công việc thử nghiệm.
Họ thử nghiệm từ phần mềm, phần cứng, quá trình sản xuất, thử nghiệm chất lượng sản phẩm và chuỗi cung ứng. Họ cũng quan tâm đến những thứ như liệu cảm biến mống mắt hay thuật toán phần mềm gây ra quá nhiệt hay tính năng sạc nhanh của máy là nguyên nhân.
Những điều tra này ban đầu không thu về kết quả. "Phần cứng, phần mềm, kho vận đều không phải nguyên nhân", Denison cho hay.
Samsung khi đó chuyển toàn bộ quá trình điều tra vào pin của máy. Trong quá trình thử nghiệm này, các kỹ sư tiếp tục chứng kiến pin máy phát nổ, một phần do lỗi thiết bị, một phần do chính họ.
Samsung có 2 nhà cung cấp pin cho Note 7, sản xuất những viên pin hàng thửa cho riêng sản phẩm này. 2 loại pin này được làm khác nhau, cả về điện áp cũng như kích thước bên ngoài. "Nếu mở pin A và pin B, bạn sẽ thấy chúng không giống nhau", Denison chia sẻ.
Samsung từ chối cung cấp danh tính của nhà cung cấp nhưng Hiệp hội Người tiêu dùng cho biết Samsung SDI là công ty sản xuất loạt pin đầu tiên. Amperex Technology là nhà cung cấp thứ 2.
Với đợt cung cấp pin đầu tiên, Samsung phát hiện ra lỗi khiến pin bị đoản mạch. Nhà cung cấp đã tạo ra phần vỏ ngoài (gọi là pouch) không đủ không gian để pin nở ra trong quá trình nạp và xả, khiến cực âm và dương của máy tiếp xúc, gây đoản mạch.
Loạt pin mới của Samsung sẽ trải qua nhiều bài thử nghiệm mới, chẳng hạn thử nghiệm độ bền bằng cách dùng kim chọc vào vỏ pin.
Với đối tác cung cấp thứ 2, lỗi pin phát nổ liên quan đến quá trình sản xuất và kiểm tra chất lượng. Những viên pin đầu tiên hoạt động tốt trên Note 7 nhưng khi Samsung tăng lượng đặt hàng và biến họ thành nhà cung cấp pin duy nhất, lỗi bắt đầu phát sinh, Một phần nhô ra còn sót lại trong quá trình hàn siêu âm gây ra hiện tượng đoản mạch.
Samsung đã yêu cầu nhà cung cấp thứ 2 này sản xuất khoảng 10 triệu viên pin mới. "Cuối cùng, họ đã không thể sản xuất những viên pin đủ chất lượng".
Samsung sẽ thay đổi thế nào?
Samsung hiện đã thay đổi quá trình thử nghiệm sản phẩm di động. Với pin, họ đưa quá trình thử nghiệm 8 bước. Một vài bước trước đây được thực hiện bởi đối tác, một số khác hoàn toàn mới.
Samsung sẽ tiến thành soi bằng tia X để kiểm tra các hiện tượng bất thường trên pin. Model Galaxy S8 sắp ra mắt là smartphone đầu tiên trải qua quá tình thử nghiệm mới này.
"Đợt thu hồi thứ 2 diễn ra cũng là lúc chúng tôi bắt đầu sản xuất pin cho Galxy S8", Koh cho hay. Ông cũng khẳng định sự cố Note 7 không gây ảnh hưởng lớn đến lịch ra mắt Galaxy S8.
Theo Zing