Xiaomi Mi 5s đọ hiệu năng cùng iPhone 7 Plus
Sau khi Xiaomi Mi 5s ra mắt với chip Snapdragon 821 mạnh mẽ, smartphone này đã được đặt lên bàn cân so sánh hiệu năng với iPhone 7 Plus và cho kết quả bất ngờ.
Trước tiên, điểm qua chút về cấu hình của hai máy. Chiếc Mi 5s được sử dụng để so hiệu năng là phiên bản RAM 3GB, bộ nhớ 64GB, vi xử lý Snapdragon 821 lõi tứ (2 lõi 2.15GHz và 2 lõi 1.6Ghz) và màn hình 5.15 inch độ phân giải Full-HD. Trong khi đó, iPhone 7 Plus được trang bị RAM 3GB, bộ nhớ 32GB, vi xử lý A10 Fusion lõi tứ 2.23GHz và màn hình 5.5 inch độ phân giải Full-HD.
Cấu hình của hai máy nhìn chung tương đối tương đồng, sự khác biệt đáng chú ý nhất nằm ở vi xử lý. Vi xử lý của Mi 5s là chip cao cấp nhất của Qualcomm hiện nay, còn A10 Fusion là chip mới nhất do Apple tự thiết kế.
So điểm hiệu năng trên phần mềm
Trước tiên, chúng ta thử xem hai máy thể hiện như thế nào trên các phần mềm đo hiệu năng quen thuộc là Antutu (đo hiệu năng tổng thể), GeekBench (đo hiệu năng xử lý của CPU) và GFXbench ở bài Manhattan đo hiệu năng xử lý đồ hoạ (GPU).
Ở bài đo hiệu năng tổng thể trên Antutu, iPhone 7 Plus đạt điểm vượt trội: 153.515 điểm so với 95.647 điểm của Xiaomi Mi 5s.
Ở bài đo về khả năng xử lý của CPU trên GeekBench, sự chênh lệch vẫn tiếp tục rõ rệt ở cả điểm đo xử lý đơn lõi và đa lõi.
Tuy vậy, khả năng xử lý đồ hoạ của hai máy trên phần mềm GFXBench lại tương đồng, không chênh nhau đáng kể. Ở bài đo này, hai máy sẽ so đọ với nhau ở 2 bài Manhattan onscreen (dựa trên độ phân giải thực của màn hình) và Manhattan offscreen (dựa trên độ phân giải Full-HD). Do cả hai máy đều có độ phân giải Full-HD nên điểm số của cả hai bài đo onscreen và offscreen không chênh nhau đáng kể.
Như vậy có thể thấy Xiaomi Mi 5s chênh lệch ở khoảng cách xa so với iPhone 7 Plus đây cũng là điều dễ hiểu. Và tại sao iPhone 7 Plus lại có tốc độ và khả năng đa nhiệm vượt trội so với Mi 5s cũng như các máy Android nói chung? Đây câu hỏi chúng tôi đã có lần đề cập. Nhìn chung, điểm cốt lõi nhất có lẽ ở chỗ Apple là nhà sản xuất hiếm hoi đến nay sở hữu đủ cả 3 yếu tố quyết định đến trải nghiệm của người dùng gồm: nền tảng phần cứng (Apple tự thiết kế được vi xử lý tích hợp A10 Fusion); hệ điều hành (iOS); và hệ sinh thái ứng dụng (kho ứng dụng App Store). Từ việc quản lý được 3 yếu tố này, Apple có thể tối ưu tài nguyên hệ thống cho các ứng dụng một cách hiệu quả nhất đối với cả phần cứng, phần mềm điều khiển và các ứng dụng. Thêm vào đó, ở khía cạnh ứng dụng, Apple cũng có tiếng là quản lý rất chặt chẽ các ứng dụng gửi lên kho để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Huy Anh vnreview